Sunday, September 25, 2016

Tâm lý học về chuyện ...

... chuyện xì hơi!

Bảy Ròm không có cố ý đi tìm ba cái chuyện dzô diên này để viết. Hôi nhà hôi cửa chớ lợi ích chi! 

Chiều CN, đang bận việc, lại buồn ngủ muốn chết luôn. Tình cờ, đọc được bài này The Psychology of a Fart

Ai thích thì bấm vô link đó để đọc trực tiếp bằng tiếng Mỹ, và tin rằng có bài viết như vậy. Bảy Ròm ráng chống mắt lên, viết lại cho các bạn đây (Bảy đọc và viết lại theo ý mình, không sửa sai ý tác giả quá đáng là được rồi. Chớ Bảy Ròm không dịch lại từng chữ. Theo Bảy thì dịch lại bài của người ta thì khó đọc hơn).

...


Ngày xưa, James Dougherty cưới Marilyn Monroe (đó là ai thì chắc ai cũng biết) khi anh ta mới 21 tuổi và Marilyn mới 16 tuổi. Một ngày, hai người đang ở trong rạp xi-nê, Marilyn ... đ.t. James chưa bao giờ ngửi mùi gì thúi tới mức đó, và nó lan tỏa ra nhiều hàng ghế trong rạp. ha ha ha! Anh ta ngồi yên đó tới 10 phút, quê quá, trong khi Marilyn cười điên dại, ngay cả sau khi mùi thúi đó biến mất.

Người ta xì hơi vì nhiều lý do, cũng giống như người ta tiểu tiện, đại tiện bởi những lý do khác nhau. Có người tè hoặc ị trong quần vì sợ. Các tử tù, khi bị hành quyết, thường xả ra trong quần. Nhiều người bị chĩa súng vô mặt đôi khi tè ướt quần.

Người khác, nhứt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hoặc những người tai quái, thích xả hơi để làm hề. Có người xì ra khi say. Có người xả để cho vui hoặc phô bày cái tính khó trị của họ. Marilyn hình như cảm thấy thích thú khi làm hôi phòng và chọc người khác tức cho vui.

Không phải loại xì hơi nào cũng có ý nghĩ về tâm lý học. Đôi khi chuyện đó có liên can tới món ăn và thức uống. Đôi khi, đó là một tình trạng bịnh lý, thí dụ là chứng viêm bao tử, chứng kích thích đường ruột. Đôi khi, đó là triệu chứng của người già, mất sức kiểm soát cái "nắp cầu tiêu". :). Đôi khi, đ.t chỉ là đ.t, đơn giản vậy thôi.

Trong nhiều trường hợp, người ta xì hơi để bày tỏ cảm xúc của mình. Người ta có thể đ.t vì giận (Marilyn có thể là như vậy), đ.t vì cần người khác chú ý tới mình (thiếu gì cách khác hả trời!!!), hoặc họ xả ra vì sợ (giống đã nói ở trên). Sự thật thì đ.t lại là một chủ đề cần nghiên cứu khoa học khác dài dòng. Có người chọn cách xả hơi ở chổ công cộng; có người ráng nín lại và chạy đi tìm phòng vệ sinh. Vậy thì chuyện gì đem lại sự khác nhau đó? Hai quyết định khác nhau đó có liên can tới bản tính con người hay không? Thường thường thì người ta không thừa nhận rằng mình mới "xịt khói" ra, và chuyện đó dẫn tới câu nói "Ai nghe mùi thì ... ráng ngửi."

Một mặt khác của chuyện đ.t là hầu như chẳng ai nói tới hoặc viết ra. Chuyện che giấu này liên can tới một khía cạnh khác của tâm lý học. Bất cứ chuyện gì có liên quan tới đi tè, đi ị, xì hơi, hoặc làm chuyện người lớn, nghĩa là chuyện gì có liên quan tới phòng vệ sinh và phòng ngủ thì thường người ta tách biệt ra khỏi con mắt soi mói của thiên hạ. Vậy tại sao con người mình muốn che đậy những chuyện rất bình thường đó? Tại reng?

Thiệt vậy! Tại sao người ta che đậy cơ thể mình, đặc biệt là phần cơ thể về tính dục và "tiết niệu"? Tác giả của bài viết này (không phải là Bảy Ròm) nghĩ rằng đó là bởi vì con người có tính tự tôn. Con người mình nghĩ rằng mình thuộc loại động vật "tiên tiến", khác biệt với những động vật khác có lối sống rất là ... "súc vật" Mình khác với chó, bò, ngựa,  hoặc voi, mấy con này thoải mái ị hoặc tè nơi công cộng. Hễ người ta càng văn minh, người ta càng muốn kín đáo những việc làm giống "súc vật" kia. (Nói vậy thì mấy người Tàu đi du lịch và cho con ị giữa đường cũng thuộc loại súc vật hay sao?).

Kinh Thánh và Kinh Koran có nói về ông Adam và bà Eva, ngày xưa bị cám dỗ ăn trái táo cấm, để từ đó họ biết tới chuyện tốt và xấu. Sau đó, Adam và Eva bị cảm thấy xấu hổ và phải dùng áo quần để che đậy sự xấu hổ của mình. Chuyện này thì mấy đứa nhỏ đều học được khi ba má tụi nó không muốn tụi nó cởi truồng chổ công cộng, không "rờ chim", ợ hơi, hoặc đ.t nơi công cộng.

Cái tính tự tôn của con người cũng dẫn tới chuyện họ lẩn tránh một số chuyện, thí dụ là chuyện chết, nhứt là cái chết của chính họ. Ai cũng sống giống như cuộc sống này là vĩnh cửu, chẳng có chiện chết. Tính tự tôn đó cũng dẫn tới chuyện không ai muốn thừa nhận lỗi lầm của mình, muốn từ chối những thói quen xấu, thí dụ là rất ít người tự nhận mình là người nghiện rượu.

Sự thật thì sử dụng từ "đ.t" cũng không được khuyến khích, chữ đó nghe có vẻ thô tục và hạ cấp (Bảy Ròm cố ý viết sai chính tả đó. :) Người ta ráng dùng từ khác: xả hơi, xì,... nghe "văn minh" hơn (theo Bảy thì cũng vậy, cái nào rồi cũng thúi rum! ha ha).

Tóm lại, con người mình làm chủ cái bản năng động vật của mình thì cứ để tự nhiên, đừng đè nén quá đáng và tự đánh giá thấp. Chuyện tự hạ thấp giá trị của mình sẽ dẫn tới rối loạn trong cơ thể. Khi mình thành thật với bản thân mình, ngay cả chuyện đ.t, thì mình mới đúng là con người thực thụ. Biết đâu, ngày trước, Marilyn cố ý xả hơi vì đó là cách thể hiện bản chất con người của cô ta!
...
 Ý tác giả này muốn nói rằng mình nên sống thành thật, khi mắc quá thì cứ xả đại ra, ai nghe mùi nấy hửi!

Nghe lời ông này hay không là tùy ở các bạn. 
Bảy Ròm chọn lối sống nào hả? Ngu gì nói ra. 


 Nguồn: The Psychology of a Fart - Gerald Schoenewolf, Ph.D.

No comments:

Post a Comment